Đặc điểm pháp lý của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa. Hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa theo quy định của Luật thương mại có đặc điểm gì?
Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa là các thương nhân.
Quan hệ đại lý mua bán hàng hóa được xây dựng trên cơ sở hợp đồng, giữa bên giao đại lý và bên đại lý
Theo Điều 167 Luật thương mại 2005 quy định về bên giao đại lý và bên đại lý:
1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Như vậy theo quy định của pháp luật thì cả bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân
Bên giao đại lý và bên đại lý phải là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Bên giao đại lý là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua. Đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được Bộ Công Thương cho phép. Để hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa có hiệu lực pháp luật thì các bên phải có năng lực chủ thể thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
Thứ hai, bên đại lý phải dùng chính danh nghĩa của mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý.
Đây là một đặc điểm quan trọng của hợp đồng đại lý, cho phép phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng đại diện cho thương nhân. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, do bên giao đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho mình thông qua bên đại lý nên bắt buộc phải có quyền kinh doanh những hàng hóa đó, hay nói cách khác là phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý. Do bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý bằng chính danh nghĩa của mình nên phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý mua, đại lý bán. Từ nghĩa vụ cụ thể của bên đại lý là nhân danh chính mình để thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa nhất định cho bên giao đại lý nên bên giao đại lý phải có đăng ký kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa ghi trong hợp đồng .
Thứ ba, trong quan hệ hợp đồng đại lý, chủ sở hữu hàng hóa là bên giao đại lý, đại lí chỉ là người được bên giao đại lý giao việc định đoạt hàng hóa. Bên giao đại lý hoàn toàn không chuyển quyền sở hữu hàng hóa (trong trường hợp đại lý bán) hoặc tiền (trong trường hợp đại lý mua).
Cơ sở để bên đại lý bán hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý là sự ủy nhiệm quyền mua, bán hàng hóa của bên giao đại lý. Đặc điểm này làm cho hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa hoàn toàn khác hợp đồng mua bán hàng hóa. Đặc trưng nổi bật nhất của hợp đồng mua bán hàng hóa là có sự chuyển quyền sở hữu hàng hóa cũng như chuyển giao rủi ro từ người bán sang cho người mua, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trong quan hệ đại lý mua bán hàng hóa, bên đại lý chỉ giao hàng hóa cho bên đại lý bán hàng mà không chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên đại lý (bên giao đại lý chỉ chuyển quyền chiếm hữu hàng hóa cho bên đại lý). Khi bên đại lý giao kết, thực hiện hợp đồng với khách hàng, quyền sở hữu hàng hóa sẽ được chuyển từ bên giao đại lý sang cho khách hàng. Bên đại lý chỉ có vai trò của một người làm dịch vụ trung gian nối liền sự liên kết của bên giao đại lý với khách hàng. Với tư cách là chủ sở hữu của hàng hóa, bên giao đại lý được toàn quyền định đoạt đối với hàng hóa của mình cũng như phải chịu rủi ro đối với hàng hóa cũng như gánh chiu mọi trách nhiệm với khách hàng về chất lượng của hàng hóa (trừ trường hợp hàng hóa hư hỏng do lỗi của bên đại lý).
Thứ tư, để thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý phải thực hiện các hành vi thực tế.
Bên đại lý nhận hàng hóa từ bên giao đại lý để giao cho người mua trong trường hợp đại lý bán, hoặc nhận tiền từ bên giao đại lý để thanh toán cho khách hàng; nhận hàng từ khách hàng để giao cho bên đại lý trong trường hợp đại lý mua hàng.
Đặc điểm này giúp phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, trong đó bên được ủy thác chủ yếu thực hiện các hành vi pháp lý (bên được ủy thác chỉ sử dụng danh nghĩa của mình ký hợp đồng với khách hàng; còn việc giao hàng, thanh toán có thể được thực hiện trực tiếp giữa bên ủy thác với khác hàng). Bên đại lý mua bán hàng hóa được tự do hơn bên nhận ủy thác trong việc lựa chọn bên thứ ba để giao kết và thực hiện hợp đồng.
Việc bên nhận ủy thác thực hiện mua bán hàng hóa cho bên ủy thác phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bên ủy thác. Nhưng bên đại lý trong quan hệ đại lý mua bán hàng hóa được tự do trong việc tìm kiếm, giao kết hợp đồng với các bên thứ ba mà không chịu sự tác động của bên giao đại lý.
Thứ năm, hợp đồng đại lý là một dạng của hợp đồng dịch vụ.
Bên đại lý bán hàng hóa hoặc mua hàng cho bên giao đại lý để nhận thù lao. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, lợi ích bên đại lý được hưởng chính là thù lao đại lý mà xét dưới khía cạnh pháp lý thì khoản tiền này chính là thù lao dịch vụ mà bên giao đại lý phải thanh toán cho bên đại lý do sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa của bên đại lý.